Giấc mơ Mỹ của một thế hệ người Việt
Có “thế hệ một rưỡi” chỉ về những người trẻ tuổi sinh ra và lớn lên tại Việt Nam và sang Mỹ dưới sự bảo trợ của ông bà cha mẹ, chưa bao giờ có kinh nghiệm vượt biên, tàu thuyền, chiến tranh. Và như tiêu đề, bài viết này chú trọng chủ yếu đến các bạn trẻ thuộc “thế hệ một rưỡi.”
Trước hết, để mở đầu bài viết này, có lẽ mình phải giải thích một chút về “thế hệ một rưỡi.” Đối với cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Mỹ, thế hệ thứ nhất bao gồm những người Việt đầu tiên tị nạn và di cư đến Mỹ. Thế hệ thứ hai là thế hệ sinh ra và lớn lên tại Mỹ.
Sống với đam mê & đừng bỏ cuộc
Giấc mơ Mỹ không phải là một ngày nào đó bạn kiếm được thật nhiều tiền hoặc trở nên nổi tiếng. Giấc mơ Mỹ chính là ở tại nước Mỹ, bạn được sống với đam mê và được tạo điều kiện để sống với đam mê của mình. Người Việt thường có một định hướng sai lầm cho những bạn trẻ khi họ mới đặt chân đến Mỹ, rằng họ phải học ngành này, ngành kia thì mới kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên đừng cố ép mình học một ngành mà mình không hề đam mê và yêu thích. Đừng cố ép mình phải sống vì những mong đợi của người khác, nhưng hãy sống cho bản thân và đam mê của chính mình. Nếu không có đam mê, một ngày nào đó, bạn sẽ thấy thật mệt mỏi và cuộc sống của bạn thật vô nghĩa. Hãy theo đuổi ước mơ, theo đuổi đam mê của bạn. Bởi vì bạn chỉ có thể sống cả một đời với thứ mà bạn thực sự đam mê.
Giấc mơ Mỹ sẽ thông thể thành hiện thực trong một thời gian ngắn. Nhưng nó đòi hỏi ở bạn sự kiên trì và nhẫn nại. Cho dù phải mất ròng rã nhiều năm trời bạn mới có thể khoác lên người chiếc áo ngày ra trường thì bạn vẫn phải đi cho đến cuối con đường. Rất bình thường khi bạn đi vào một trường đại học ở Mỹ và bắt gặp những người lớn tuổi, tóc muối tiêu đi học. Cho dù tuổi tác đã cao, nhưng họ vẫn không ngừng nâng cao và thử thách chính mình. Vậy bạn là những người trẻ, tại sao lại cho phép bản thân nản lòng và bỏ cuộc?
Khó khăn & thách thức
Mỗi gia đình khi đến Mỹ đều có một hoàn cảnh riêng biệt không ai giống ai, có người may mắn nhờ sự giúp đỡ của người thân thì ổn định sớm, còn có người thì phải mất một thời gian trầy trật thì cuộc sống mới đi vào ổn định. Tuy nhiên tất cả đều có chung những khó khăn như không nói rành tiếng Anh. Cho dù bạn có đang sinh sống ở một khu người Việt đi chăng nữa, thì tiếng Anh mới là ngôn ngữ giao tiếp chính. Nếu không biết tiếng Anh, bạn sẽ chỉ kiếm được những việc làm tay chân nặng nhọc với đồng lương bị chèn ép ít ỏi hoặc bạn sẽ bị kỳ thị vì bạn speak “Broken English.”
Khó khăn kế đến đối với “thế hệ một rưỡi” đó là nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè, người thân, hoặc đôi khi chỉ là một món ăn yêu thích nào đó. “Thế hệ một rưỡi”có một nỗi khổ rất riêng. Đôi khi bạn thấy mình không thể hòa nhập nỗi với “tụi Mỹ con” (từ nói vui về các bạn Việt Nam sinh ra ở Mỹ) nhưng lại tự ép mình mỗi ngày phải “Mỹ hóa.” Bạn nửa Mỹ nửa Việt. Trong bạn có thiên hướng hoài niệm nhưng cũng vận động bản thân không ngừng để thích nghi. Và dù bạn có ép mình thành Mỹ đến đâu thì đến cuối ngày bạn vẫn là nhớ cái mùi nước nắm, thích ăn Phở, thèm bánh tráng trộn, thích coi “Cười Xuyên Việt” và đọc “Mương 14” thay vì CNN…
Thách thức đối với “thế hệ một rưỡi” thì quả thật rất lớn. Như một quy luật, mới qua đây ai cũng phải đi học ESL (English as a Second Language). Vào lớp thì phải cố gắng gấp 3, gấp 4 người khác. Vừa phải gồng tai nghe xem ông thầy giảng cái gì, vừa phải căng con mắt đọc chi chít những chữ là chữ tiếng Anh mà 90% thời gian ngồi tra từ điển cũng không hết, vừa phải chép bài, nộp bài, và làm bài kiểm tra theo hạn định như ai. Cái gì đối với bạn cũng mới. Cái gì bạn cũng phải tự mày mò tìm hiểu. Và bạn cũng phải đi làm để trả bills, để gồng gánh giúp đỡ gia đình, mà đôi khi để bạn còn ưu tư phải mua quà gì cho nhỏ bạn thân, và để gửi ít tiền Tết về cho bà chị. Cuộc sống thảnh thơi ngày xưa khi còn ở Việt Nam đã xa rồi. Giờ bạn phải vừa học vừa làm có khi cả tháng mới thấy mặt một lần. Về đến nhà thì chỉ muốn lăn quay ra ngủ. Đôi khi muốn online tám với tụi bạn mà vì trái giờ trái giấc nên cũng lâu lâu mới hỏi thăm nhau được một lần.
Nghĩ tích cực và nhận ra cơ hội
Có nhiều người cùng trải qua những khó khăn tương tự, nhưng đến cuối con đường kết quả lại khác nhau. Ở nơi đâu cũng luôn tìm ẩn những cơ hội đằng sau những thách thức, quan trọng là bạn có nhận ra và giành được những cơ hội đó hay không. Đừng để sự hoài niệm giới hạn chính mình. Trước hết, hãy ngừng suy nghĩ rằng bạn sẽ về Việt Nam làm này làm kia. Bây giờ hãy tập trung vào hiện tại. Hiện tại bạn đang sống ở Mỹ. Một đất nước tuy không nhiều người thân quen, nhưng lại cho bạn rất nhiều cơ hội và nhân quyền. Chỉ có tại nơi đây bạn mới có thể quay trở lại trường học bất cứ lúc nào mà không tốn xu nào. Chỉ có tại nơi đây mới “năn nỉ” bạn nộp đơn để bạn được cho thêm tiền khi đi học. Trong khi giới trẻ tại Việt Nam phải “năn nỉ” Obama cho họ có cơ hội thực tập và tiếp xúc với các doanh nghiệp Mỹ thì bạn không cần điều đó, bạn đã ở tại nơi đây, và bạn có thể làm việc với họ bất cứ lúc nào.
Cơ hội tại Mỹ
Ở nước Mỹ, cơ hội là dành cho tất cả mọi người chứ không của riêng ai. Còn nhớ khi mình mới sang đây. Mình hỏi bạn bè của mình về việc xin học bổng. Đa số đều nói rằng học bổng ở đây rất khó xin và chỉ dành cho sinh viên Mỹ. Mình không tin điều đó, vẫn tiếp tục tìm tòi và tiếp tục cố gắng. Mục tiêu của mình không phải là tiền nhưng mình muốn vượt qua những suy nghĩ tiêu cực. Mình bắt đầu tham gia các hoạt động ngoại khóa trong trường học, bắt đầu sử dụng hết tất cả những nguồn giúp đỡ từ trường học và bắt đầu học phải viết một bài về bản thân như thế nào. Mình đã từng chỉ là một người đóng thế lên nhận thay học bổng cho người khác. Nhưng cuối cùng, chính mình cũng trở thành người nhận giải và đó là giải cao nhất…
Sử dụng hết tất cả những nguồn giúp đỡ
Mỹ là một đất nước cung cấp cho bạn rất nhiều nguồn giúp đỡ. Chỉ là bạn chưa thấy, chưa tìm, và chưa chủ động sử dụng đến. Nếu bạn cần giúp đỡ về tiền bạc, họ có chương trình cho những người thu nhập thấp. Nếu bạn cần việc làm, họ có nơi để giúp tìm việc, viết đơn xin việc hoặc hơn thế nữa là ngồi đó làm một buổi phỏng vấn giả để giúp bạn bớt hồi hộp hơn khi đi phỏng vấn. Nếu bạn không biết phải học như thế nào và lên kế hoạch ra sao, họ có người cố vấn ngồi đó với bạn, tư vấn cho bạn, giúp bạn lên kế hoạch. Nếu bạn cần trau dồi tiếng Anh, cần người giúp đỡ bạn làm bài tập, họ cũng có người để giúp bạn học, sửa bài cho bạn, và giảng giải cho bạn. Hầu hết theo kinh nghiệm của mình, có rất nhiều bạn sinh viên Việt Nam không biết cách sử dụng hết những nguồn giúp đỡ trong trường học và trong cộng đồng. Vì thế, họ đã bỏ qua rất nhiều điều tốt.
Đặt mục tiêu cao hơn
Tại sao đối với nhiều bạn trẻ, giấc mơ Mỹ vẫn là một điều gì đó mông lung và xa vời? Bởi vì bạn đang chấp nhận vị trí của mình ở hiện tại và không muốn nỗ lực hơn nữa. Khi tiếp xúc với nhiều bạn trẻ “thế hệ một rưỡi,” nhiều bạn có xu hướng an phận và tầm nhìn giới hạn. Bạn đang sinh sống ở một đất nước tiên tiến, bạn còn trẻ, nhưng lại chấp nhận làm nail hoặc làm phục vụ tại một nhà hàng người Việt mà bạn bị chèn ép đồng lương lẫn sức lao động (xin lỗi nếu khúc này đụng chạm nhiều bạn). Mình rất hiểu rõ, các bạn cũng vì cuộc sống mưu sinh và ý mình ở đây không phải những công việc đó là xấu. Nhưng những công việc đó không giúp bạn nâng cao kiến thức và cho bạn nhiều kinh nghiệm hữu ích.
Nếu bạn thích ngành dịch vụ. Hãy thử thách bản thân bằng việc xin vào một nhà hàng hoặc khu chợ của Mỹ. Nếu bạn đang học ngành kế toán, hãy bắt đầu tích lũy những kinh nghiệm bằng việc đi làm thêm vào các mùa thuế vụ để tăng thêm kinh nghiệm. Hãy bước ra khỏi vùng an toàn, chấp nhận đưa bản thân mình vào vùng thử thách, tin rằng bạn sẽ khám khá được bản thân mình đột phá như thế nào. Cho dù có thất bại thì cũng là một thất bại có giá trị hơn là tiếp tục làm những công việc không đem lại nhiều giá trị cho bạn. Trong việc học, thay vì chấp nhận chỉ học để qua lớp, hãy lập cho mình một mục tiêu cao để lấy những điểm cao, hãy nhìn thấy mình vào học ở những trường đại học lớn và tốt nghiệp ở một thời điểm nào đó trong tương lai, hay thậm chí là tiếp tục ước mơ, không ngừng ước mơ về một điều gì đó bạn sẽ làm trong tương lai.
Chấp nhận yếu kém & không ngừng học hỏi
Để có thể học từ người khác, bạn phải chấp nhận rằng mình còn yếu, mình làm chưa tốt và mình cần phải học. Ví dụ, có thể bạn chưa giỏi tiếng Anh, nhưng hãy chấp nhận điều đó, và xin sự hướng dẫn từ người khác. Bạn gặp khó khăn trong việc điền một tờ đơn xin việc, hãy nhờ một ai đó chỉ cho bạn phải điền như thế nào. Nếu bạn không biết nói tiếng Anh như thế nào khi bước vào một văn phòng ở trường học, hãy viết trước ra giấy và nhờ một người bạn giỏi hơn đi cùng. Nhờ giúp đỡ không bao giờ là thiếu thông minh, nhưng những người thông minh là những người biết mình không thể thành công nếu không có sự giúp đỡ từ người khác.
Có một người cố vấn
Đã từ lâu người Mỹ đã nhận ra tầm quan trọng của quan hệ cố vấn. Đa số người thành công ở Mỹ đều có những người cố vấn cho họ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, nếu bạn biết người nào đó có nhiều kinh nghiệm hơn mình, nhiều kiến thức hơn mình, và có thể cho mình nhiều lời khuyên hữu ích. Đừng ngại, nhưng hãy tìm đến họ, đặt câu hỏi và lằng nghe lời khuyên của họ. Đôi khi, họ sẽ không chỉ cho bạn lời khuyên, nhưng còn cho bạn rất nhiều giải pháp ở những thời điểm khó khăn.
Kết luận
Nước Mỹ không phải là thiên đường. Nước Mỹ chỉ là nơi mà bạn được cho những cơ hội và điều kiện tốt nhất để thực hiện ước mơ của mình, để sống một cuộc đời ý nghĩa, sâu sắc và có ích cho xã hội. Con đường đến Mỹ đối với nhiều người là rất gian nan. Nhưng hiện tại bạn đã ở trên đất nước Mỹ. Giấc mơ Mỹ đang nằm trong tay của bạn. Có nắm giữ nó và theo đuổi nó hay không, tùy thuộc vào quyết định của bạn hôm nay. Chúc bạn thành công!
Dẫn theo: ibid