“Tip” cho phải phép

Hồi tháng 6/2013, một nhà hàng sushi rất nổi tiếng tại New York quyết định không cho nhân viên phục vụ nhận tiền tip để thực khách khỏi bận tâm tính toán phải tip bao nhiêu sau bữa ăn.

Một số nhà hàng ở các thành phố khác của Mỹ đã thay khoản tiền thưởng bất thành văn nhưng luôn phải có này bằng phí dịch vụ cố định. Vậy, phải chăng việc cho hay nhận món tiền “tùy hỷ” này không còn được thừa nhận tại Mỹ, nơi vốn dĩ điều này không thể thiếu?
tip-cho-phai-phep
Tại một nhà hàng ở New York City, người đàn ông dáng vẻ lịch lãm vui vẻ dùng bữa cùng một phụ nữ xinh đẹp. Đây mới chỉ là lần hò hẹn thứ hai của họ, bước đi cần thiết để tìm hiểu nhau kỹ trước khi tiến xa hơn. Rồi anh ta thanh toán hóa đơn cho người phục vụ và đi vào phòng vệ sinh.
Cô bạn hỏi người phục vụ: “Anh ấy tip bao nhiêu vậy?”. Câu trả lời khiến cô ta đỏ mặt. Khi người đàn ông trở lại bàn, cô ấy nói không muốn gặp lại anh. Hóa ra, anh chàng điển trai kia chỉ tip khoảng 8,5% tổng giá trị hóa đơn. Câu chuyện này cho thấy sự nghiêm túc của người Mỹ trong việc cho tiền tip và hành động này còn có ý nghĩa văn hóa, xã hội ra sao.
Đó là thói quen đã trở thành cư xử văn minh của hầu hết người Mỹ, dù đôi khi vẫn phát hoảng khi thấy ba hoặc bốn nhân viên khách sạn cùng chăm lo cho hành lý của họ từ cửa xe lên đến tận phòng. Thế nhưng, điều tồi tệ hơn cho du khách là không rõ sẽ cho ai và bao nhiêu.
Thưởng cho người phục vụ quán rượu nhưng không cho nhân viên bán hàng, thưởng cho thợ hớt tóc nhưng chủ tiệm thì không; tặng một hoặc hai đô la cho người mang vác hành lý chứ không cho nhân viên lễ tân… Biết hành xử thế nào cho phù hợp để không phải nhận ánh mắt khinh khi, lời chỉ trích?
Lần đầu đi du lịch Mỹ, một số du khách không cho tiền tip, hoặc cho ít, vì họ hoàn toàn không hiểu tầm quan trọng của món tiền ấy đối với sinh kế của người lao động tại Mỹ. Mức thù lao tối thiểu dành cho nhân viên các nhà hàng có nhận tiền tip là 2,13 USD/giờ, cộng với tip hy vọng sẽ được 7,25 USD/giờ, tức bằng với mức thù lao thấp nhất theo luật Liên bang đã định mà một người sử dụng lao động phải trả cho người lao động.
Dublanica, người làm việc 7 năm trong các nhà hàng ở New York, đã viết trên blog: “Thật khó khăn khi tôi đã sống chết nhờ vào những đồng tip. Nếu bạn không cho, tôi không thể trả tiền thuê nhà. Thực tế là bạn có thể làm việc chăm chỉ mà không nhận được tip và đôi khi không làm gì cả nhưng lại được cho nhiều tiền”.
tip-cho-phai-phep
Hai phần ba trên tổng số tiền thưởng ở Mỹ được chi tại các nhà hàng, nhưng nay đang có dấu hiệu thay đổi. Theo Dublanica, đây cũng là vấn đề lớn trong ngành khách sạn hiện nay. Anh ủng hộ việc phân chia phí dịch vụ giữa người lao động, nếu nó giúp họ có một mức lương phù hợp và những phúc lợi như trả tiền chữa bệnh.
Tuy nhiên, vấn đề chưa hẳn được nhìn nhận: Dù chất lượng dịch vụ không ảnh hưởng đến tới chuyện cho tiền tip, nhưng người Mỹ đã quan niệm không đúng và “boa” thêm cho dịch vụ như một phần thưởng. Họ không muốn bỏ quyền lựa chọn này. Đây là một tập tục lâu đời của những “người Mỹ huyền thoại”, nên cứ chăm chỉ làm ắt sẽ được thưởng.
Nhưng ngay cả người Mỹ cũng không thống nhất với những cảm xúc dao động từ bực tức đến hoàn toàn phản đối. Thông điệp của trang mạng Ban Tipping (Hãy cấm tip): “Chúng ta là người tiêu dùng có giáo dục, chúng ta không cho thêm tiền”.
Lizzie Post, đồng tác giả quyển sách hướng dẫn xã giao Emily Posts Etiquette, nói rằng, đó là tục lệ cho thêm tiền người thực hiện một dịch vụ cho bạn. Bà thừa nhận sự không thống nhất khi thưởng cho nhân viên dọn nhà nhưng lại không cho người giặt tẩy quần áo.
Nếu những người giặt hấp và ngành nghề khác cũng được thưởng, thì nền kỹ nghệ tip còn lớn hơn nhiều so với hiện nay. Michael Lynn, thuộc Trường Quản trị Khách sạn, Đại học Cornell, đã viết 51 bài báo về chủ đề này, ước tính nền kinh tế tiền thưởng trị giá khoảng 40 tỷ USD/năm, hơn gấp đôi ngân sách của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA).
Nhiều nhân viên nhà hàng chống lại mọi sự thay đổi về “thói quen tip” do họ kiếm được nhiều tiền từ các khoản tiền thưởng này hơn là từ những chia sẻ của phí dịch vụ. Theo Curt Gathje, Tổng biên tập các ấn phẩm đánh giá chất lượng dịch vụ nhà hàng của Công ty Zagat, khách hàng cũng không hoan nghênh điều này do đã ăn sâu vào những trải nghiệm mỗi khi đi ăn uống đến nỗi thành thói quen khó bỏ của nhiều người. Đã có lúc chuyện tip bị phản đối tại Mỹ, kể cả 6 tiểu bang từng đặt nó ngoài vòng pháp luật.
tip-cho-phai-phep
Tục lệ này từ châu Âu đã du nhập vào Hoa Kỳ hồi cuối thế kỷ XIX, nhưng đến đầu thế kỷ XX, một chiến dịch chống đối đã nổ ra với quan điểm cho đây là việc làm không dân chủ và là phương tiện tạo ra tầng lớp đầy tớ. Năm 1916, tác giả William Rufus Scott đã viết trong The Itching Palm: “Tiền tip là một minh họa cho tư tưởng quý tộc…”. Washington là bang đầu tiên ra lệnh cấm vào năm 1909, tiếp theo là Arkansas, Iowa, Nam Carolina, Tennessee và Georgia. Tuy nhiên, năm 1926, các luật này bị bãi bỏ và kể từ đó tập tục này đã phát triển mạnh mẽ.
Theo nhận xét của Ofer Azar, giáo sư kinh tế học hành vi tại Đại học Ben-Gurion ở Negev, Israel: “Mỹ có lẽ là quốc gia quen thuộc với tiền tip nhất, nhưng có nhiều khác biệt so với các nước khác. Tiền tip có thể là vấn đề, vì dường như nó tạo nên giai cấp giữa khách hàng và nhân viên dịch vụ, những người phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng và xin tiền tip. Đó là một phần lý do vì sao không được phép tip tại Nga và Trung Quốc, cũng không phổ biến ở Scandinavia, những nơi mà sự bất bình đẳng còn tương đối thấp”.
Với những người Mỹ thực sự muốn tránh việc này, một nghiên cứu quốc tế có thể cung cấp vài điểm đến không có tip. Mark Starbuck đã mất 10 năm viết một luận án về chuyện tip nhưng chưa được công bố, trong đó ông xác định chỉ có bốn nước châu Phi: Ai Cập, Ma-Rốc, Nam Phi và Tunisia. Tại Singapore, tip được cho là hành vi bất hợp pháp, trong khi ở Fiji, Iceland và Nhật, hành động này có thể gây rắc rối và trở thành hành vi phạm tội.

Tại Mỹ, bạn phải tip cho ai và bao nhiêu?* Bữa ăn ngồi tại bàn: 15 – 20%* Bữa ăn tự chọn: 10%* Phục vụ quầy rượu: 1-2 USD một thức uống* Phục vụ nhà vệ sinh: 50c – 3 USD* Phục vụ phòng: 2-5 USD* Trực cửa: 1 – 4 USD (mang hành lý), 1 – 2 USD(gọi taxi, thêm 1 USD nếu trời mưa)* Quản lý khách sạn: 2 – 5 USD/ngày* Taxi: 15 – 20%* Hớt tóc/làm mặt/mát-xa/làm móng tay: 15 – 20%

(Theo doanhnhansaigon.vn)
Chỉnh sửa bởi Thái An